Lào Cai còn hấp dẫn du khách bởi văn hóa của 25 dân tộc anh em, trong đó có những lễ hội đặc sắc vào dịp Tết Nguyên Đán như Lễ hội xuống đồng ngày xuân của dân tộc Tày, Dao diễn ra vào mùng 8 tết hàng năm; Lễ Tết nhảy của người Dao ở Tả Van vào mùng 1, 2 Tết; Lễ hội Gầu Tào của người Mông vào mùng 3 Tết hay Lễ quét làng của người Xá Phó vào tháng 2 âm lịch.
Với 21 dân tộc anh em, Điện Biên có một tiềm năng văn hóa phi vật thể vô cùng to lớn. Mỗi dân tộc lại có những sắc thái văn hóa riêng, đa dạng, mang đậm màu sắc của dân tộc mình. Đến Điện Biên bạn có thể tham quan các lễ hội như Lễ Tủ Cải của dân tộc Dao Quần chẹt thường được tổ chức sau thu hoạch vụ mùa vào cuối năm cũ hay đầu năm mới là thời gian nông nhàn, lễ Bó khoăn khoai tổ chức sau khi kết thúc vụ mùa phải làm lễ Bó khoăn khoai (cúng vía trâu) – một lễ cảm ơn con trâu sau khi mùa vụ đã hoàn thành, lễ mừng cơm mới dân tộc Si la thường được tổ chức từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 (khoảng tháng 8 âm lịch) là thời gian vụ lúa đầu mùa bắt đầu chín và được tổ chức vào ngày Thìn hoặc ngày Tỵ. Hay lễ hội Thành Bản Phủ được tổ chức hàng năm vào các ngày 24 và 25/2 Âm lịch, tại xã Noọng Hẹt, huyện Điện Biên nhằm tưởng nhớ anh hùng Hoàng Công Chất.
Đến Sơn La ngoài tham quan cảnh đẹp, thưởng ngoạn các mùa hoa bạn có thể kết hợp tham quan các lễ hội đặc sắc của địa phương như Lễ hội trọi trâu được tổ chức mùng 5 Tết hàng năm với mục đích gắn kết tinh thần đoàn kết các dân tộc miền núi Sơn La, Lễ hội đua thuyền trên lòng hồ thủy điện Sơn La vào mùng 10 tháng giêng âm lịch hay Lễ hội gội đầu của dân tộc Thái trắng thực hiện vào những ngày cuối năm với hi vọng gột sạch những chuyện không vui, không may mắn và cầu mong một năm mới tốt lành.